Bình Thuận thu hút 37.000 tỉ đồng vốn đầu tư
UBND tỉnh Bình Thuận sáng nay (19-4) đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án đầu tư vào tỉnh này ở các lĩnh vực năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đăng ký khoảng 37.200 tỉ đồng.
Đáng chú ý nhất là dự án trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết trên diện tích gần 200 héc ta do Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân đầu tư. Với vốn đăng ký hơn 9.800 tỉ đồng, dự án bao gồm một trung tâm dịch vụ du lịch kết hợp khu vui chơi giải trí, khu biệt thự, khu dân cư, khu quảng trường biển.
Về nông nghiệp có dự án khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa. Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận cam kết đầu tư 3.920 tỉ đồng vào dự án tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình để sản xuất chế biến sữa tươi tiệt trùng, sữa chua và sữa đặc, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, sản xuất các loại sản phẩm nước giải khát.
Trong lĩnh vực năng lượng, một số dự án được tỉnh Bình Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư sáng nay có dự án nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo, công suất gần 30 MW; dự án nhà máy điện mặt trời Eco Seido Tuy Phong (giai đoạn 1), công suất 40 MW; dự án nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận 2, công suất 30 MW; nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1; nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 2; dự án nhà máy điện gió Thái Phong, công suất 14,5 MW; nhà máy điện gió Thái Hòa, công suất 30 MW; nhà máy điện gió Hàm Kiệm, công suất 15 MW; nhà máy điện gió Hòa Thắng, công suất 100 MW.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư Mãi Xanh cũng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ của trung tâm điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong với lượng tro xỉ than sử dụng mỗi ngày khoảng 4.500 tấn để sản xuất ra hơn 1 tỉ viên gạch không nung mỗi năm.
Cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư sáng nay, 20 nhà đầu tư cùng chính quyền tỉnh Bình Thuận đã ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư đối với 20 dự án trên địa bàn tỉnh này trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, phát triển du lịch xanh bền vững, năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là ba lĩnh vực được địa phương thúc đẩy, kêu gọi đầu tư trong những năm tới.
Tính đến nay, tỉnh Bình Thuận có 1.280 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 230.000 tỉ đồng, trong đó có 113 dự án vốn đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 4 tỉ đô la Mỹ.
Bình Thuận hiện có 27.000 héc ta trồng cây thanh long, vùng quặng khoáng sản titan trữ lượng 600 triệu tấn (chiếm 92% trữ lượng ti tan cả nước), trung tâm năng lượng quốc gia công suất theo quy hoạch 12.000 MW. Trong lĩnh vực du lịch, Bình Thuận đón khoảng 4,5 triệu khách du lịch mỗi năm.
Hệ thống hạ tầng giao thông tại tỉnh này và kết nối với các tỉnh lân cận đang được tăng tốc đầu tư. Đường quốc lộ từ TPHCM đi Phan Thiết đã được nâng cấp mở rộng. Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Nha Trang bắt đầu triển khai, và tàu du lịch 5 sao cũng đã kết nối TPHCM – Phan Thiết.
Đường tại Mũi Né
Ngoài ra, cảng vận tải chuyên dụng Vĩnh Tân đang được đầu tư xây dựng hai bến tổng hợp để tiếp nhận tàu tải trọng 30.000 DWT và một bến cho tàu đến 3.000 DWT. Sân bay Phan Thiết bắt đầu được triển khai xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.
Với bờ biển dài 192 km, tỉnh Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý - Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông. Bình Thuận còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như tháp Chăm Pôshainư, chùa Núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang…
.